Sóc Trăng ngoài các điểm đến tâm linh với kiến trúc độc đáo, du khách còn có thể trải nghiệm ẩm thực phong phú cùng quà đặc sản vùng miền.
Đến Sóc Trăng ăn gì?
Bánh pía
Nhắc đến bánh pía không thể bỏ qua bánh pía Sóc Trăng, đây chính là sự kết hợp ẩm thực Trung Hoa và miền Tây, vỏ bánh mềm bên trong gồm nhân đậu xanh, sầu riêng, trứng muối,… thơm ngon gây sự thèm ăn cho du khách.
Bánh ú mặn
Nguyên liệu làm bánh gồm nếp, đậu phộng, nước cốt dừa, tôm khô, thịt heo, nấm đông cô, lạp xưởng và đặc biệt là lòng đỏ trứng vịt muối. Bánh thường được gói bằng lá chuối, dạng hình tam giác cân và buộc bằng dây lạc. Đến Sóc Trăng mà không thưởng thức bánh ú mặn thì quả thật là đáng tiếc.
Bánh cóng
Bánh cóng được làm từ bột gạo pha với đậu xanh và trứng, bên trong được bỏ nhân với thịt heo băm nhỏ tẩm ướp các gia vị. Bánh cóng ăn rất ngon nếu được ăn kèm với các loại rau sống của vùng như: Húng, xà lách, cải, gừng…
Mè láo
Mè láo được làm từ khoai môn bào mỏng rồi đem phơi nắng khoảng 3 ngày. Khi ăn người ta cắt miếng khoai môn miếng hình chữ nhật rồi đem trộn với nước đường đã thắng thành kẹo, sau đó lăn qua vừng rang chín.
Bánh phồng tôm
Với thành phần nguyên liệu chính gồm bột mì, thịt tôm hoặc tép được xay nhuyễn với một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các nguyên liệu trên sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, người ta cắt ra từng lát hình chữ nhật hay tròn rồi đem phơi khô. Trước khi ăn, phải đem bánh chiên giòn với dầu ăn đã sôi lên, bánh sẽ nở to ra.
Bún gỏi dà
Nguyên liệu của một tô bún gỏi dà gồm: sườn heo, tôm đất, thịt ba chỉ. Nếu như bún riêu đậm đà hương vị của cua, bún nước lèo nồng nàn hơi mắm thì tô bún gỏi dà lại mang mùi vị đặc trưng của tôm đất, tương xay, vừa ngọt đậm vừa thơm ngon, hòa quyện với hương vị của nước súp, rau, giá, hẹ,…
Bún vịt nấu tiêu
Đây là một món ăn do người Hoa đem vào Việt Nam, người Sóc Trăng đã dung hòa lại các gia vị trong món bún vịt để phù hợp hơn với khẩu vị người Việt mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của món ăn.
Bê thui Sóc Trăng
Bò sau khi được làm sạch, để nguyên con và lấy một thanh sắt xiên dọc theo thân mình rồi đem gác lên giá đỡ hình chữ X đóng tréo xuống đất, phía dưới có lò than hồng để nướng bò cho thịt vừa chín tái. Thịt được cuốn với bánh tráng, bún, rau sống, chuối chát, khế và chấm với nước mắm nêm có ít mè. Đây là một món ăn ngon mà người dân địa phương thường gọi là bò giá tréo hay bò tái mướt.
Xá Bấu
Xá Bấu được làm từ những củ cải trắng, đem cắt thành miếng vừa ăn, phơi nắng và đem trộn với đường ủ vài ngày là có thể dùng. Đây được xem là món yêu thích của người dân nới đây vì độ dễ ăn và dễ làm.
Hủ tiếu xương
Nước lèo được nấu từ xương giúp nước thanh và ngọt hơn chính là bí quyết giúp tô hủ tiếu trở nên đặc sắc, ăn kèm chút rau, thêm chút chua chua của chanh, cay cay của ớt làm cho tô hủ tiếu trở nên ngon miệng hơn.
Mang gì về làm quà khi đến Sóc Trăng?
Bưởi năm roi Kế Thành
Bưởi năm roi là trái cây chủ lực của huyện Kế Sách, được mọi người biết tiếng nhờ mẫu mã và chất lượng ngon. Với đặc điểm có vỏ mỏng, màu trái vàng óng, sáng đẹp, có vị ngọt rất đậm đà, ăn không the, không hạt lúc chín, nên bưởi Kế Thành rất được người tiêu dùng ưa chuộng
Hành tím Vĩnh Châu
Hành tím Vĩnh Châu được người tiêu dùng ưa chuộng do có chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất có lợi cho sức khỏe, được dùng làm thực phẩm, phụ gia và dược liệu. Nếu có dịp đến đây du khách hãy mua một ít hành tím Vĩnh Châu để về làm quà tặng cho bạn bè và người thân nhé!
Cốm dẹp
Cốm dẹp đã không còn quá xa lạ đối với người dân miền Tây đặc biệt là Sóc Trăng. Lúa được dùng làm cốm dẹp phải là hạt lúa dài, thơm và dẻo. Sau đó đem đi rang cho đều lửa và giã cho đến khi vừa ăn. Bỏ hết cốm ra nia sàng sạch trấu, cám cho cốm được ngon và để cốm ráo tơi ra. Nhưng muốn ăn ngon hơn người ta phải trộn cốm dẹp với dừa rám nạo, ít nước dừa và đường cát trắng.
Khô trâu Thạnh Trị
Khô trâu nhiều vùng ở Sóc Trăng có, nhưng để có miếng khô khi nướng lên tươm mật thì chỉ có ở khô trâu Thạnh Trị, để có được khô trâu phải là một quá trình cực kì gian nan phải làm sạch, cắt lác ra từng miếng vừa ăn, đập mỏng ướp thêm tỏi, đường, tiêu bột ngọt để thịt thấm gia vị, sau 2 giờ rồi đem phơi 3 ngày dưới nắng.