Nhiều cha mẹ cho con đi du lịch hè nhưng canh cánh nỗi lo nguy cơ. Cần trang bị gì để con đi du lịch an toàn?
Sau nhiều vụ việc đuối nước thương tâm khi trẻ vừa bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều phụ huynh lo ngại về an toàn của con cái và dè chừng khi đăng ký tham gia các chương trình dã ngoại, du lịch hè.
Bên cạnh đuối nước, nhiều tình huống nguy hiểm khác có thể xảy đến nếu gia đình không chuẩn bị kỹ, các con không được trang bị kỹ năng sống phù hợp nhằm bảo vệ bản thân khi ra ngoài, du lịch.
Tự thiết lập giới hạn an toàn cho bản thân
Xu hướng du lịch, trải nghiệm kỹ năng đang ngày càng thu hút phụ huynh và trẻ nhỏ tham gia. Nhiều chương trình du lịch trải nghiệm trong hè tập trung vào trẻ nhỏ, vì trẻ đang được nghỉ hè dài ngày, trong khi ba mẹ vẫn bận rộn với công việc.
Nhiều gia đình kỳ vọng các con sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị và thông qua chuyến đi con có thể phát triển kỹ năng, khả năng tư duy và nhận thức tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố trải nghiệm đa dạng từ thiên nhiên, con người và văn hóa, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm đến trẻ và người tham gia nếu lơ là, thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng.
Có thể kể đến những nguy cơ/nguy hiểm thường gặp với trẻ trong các chuyến du lịch như:
Một, người xấu/người lạ: Nhiều trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội hoặc quá thân thiện và không biết thiết lập giới hạn an toàn nên dễ bị người xấu/người lạ dụ dỗ, tấn công.
Không ít trường hợp trẻ tách đoàn đi theo người lạ vì được cho quà và hứa dẫn đến khu vui chơi. Từ đây, trẻ có thể bị bắt cóc, bạo lực, xâm hại.
Hai, yếu tố thiên nhiên: Ao, hồ, sông, suối, núi, rừng, biển, thiên tai, mưa bão… đều có thể được xem xét là yếu tố dễ tạo ra nguy hiểm nếu trẻ thiếu kỹ năng quan sát, ứng phó, đặc biệt không tuân thủ các quy định của ban tổ chức.
Ba, các yếu tố khác như côn trùng đốt, chó, mèo tấn công, hỏa hoạn, nước sôi, điện giật… cũng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý của trẻ. Đặc biệt khi gia đình và đơn vị tổ chức không dự phòng và thiếu kỹ năng ứng phó.
Quan sát con từ xa bằng cách nào?
Điều quan trọng nhất, cha mẹ phải cho con được quyền lựa chọn chuyến đi.
Phụ huynh hãy hỏi ý kiến con về sự sẵn sàng tham gia, phân tích và thuyết phục con về tính hữu ích và an toàn của chuyến đi, để con được phép lựa chọn đi hoặc không. Tâm lý có thoải mái, cơ thể có khỏe mạnh đáp ứng tính trải nghiệm mới có thể có được chuyến đi vui vẻ, an toàn.
Trước khi chuyến đi diễn ra, cùng con liệt kê những việc cần chuẩn bị để đảm bảo không bỏ lỡ hành lý và trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết như mang theo đầy đủ quần áo, đèn pin, nón, dù, áo khoác, kem chống nắng, chống muỗi…
Cha mẹ phải nhắc đi nhắc lại các nguyên tắc an toàn khi lên xe, xuống xe, vui chơi ở môi trường nước, rừng, lửa, nơi có côn trùng, nắng, mưa… để trẻ nhớ nằm lòng và kịp thời xử lý nếu xảy ra tình huống nguy hiểm.
Cách nhận diện môi trường an toàn, cách kêu cứu, sự cần thiết phải tuân thủ nội quy chuyến đi.
Đặc biệt, hãy chuẩn bị cho con một chiếc điện thoại nghe - gọi/đồng hồ thông minh để có thể liên lạc với con và con có thể gọi cha mẹ, người phụ trách khi cần.
Khi con đang trong chuyến đi, phụ huynh lưu ý gọi điện hỏi thăm con vào những khung giờ nhất định. Không nên "hù dọa" con, thay vào đó dùng lời lẽ tích cực, nhắc nhở con làm đúng, làm tốt, tuân thủ các quy định chuyến đi.
Một phần khiến con cảm thấy an tâm, một phần giúp phụ huynh có thể theo sát con từ xa. Điều này rất quan trọng, nhất là khi trẻ không có người thân bên cạnh, trẻ chưa quen bạn bè, người hướng dẫn, còn e ngại và khi xảy ra chuyện thường im lặng, tự chịu đựng một mình.
Hãy liên hệ với người hướng dẫn/đơn vị tổ chức bằng nhiều cách nhắn tin, xin gửi hình ảnh và địa điểm mà các con đang đi, đang tham gia… để đảm bảo rằng con vẫn theo được chương trình và vẫn ổn thỏa.
Lê Minh Huân